Giáo dục trẻ em về giá trị của tiền

Tôi viết bài này, kể lại những câu chuyện nho nhỏ xung quanh việc tiêu tiền, hiểu về tiền của các con tôi, để chia sẻ với các phụ huynh, với các bạn.

Chuyện thứ nhất: Đồng tiền 200 đồng có tiêu được không?

Hôm trước, Thùy Dương, con gái lớn của tôi thắc mắc: “Mẹ ơi, tại sao tiền hai trăm đồng lại không tiêu được?”. Tôi hỏi con: “Sao con lại hỏi vậy? Con thấy không tiêu được tiền hai trăm đồng ở đâu?”. Con gái kể với tôi rằng khi con vào siêu thị mua đồ cùng bạn, khi bạn của con rút tiền hai trăm đồng ra trả thì cô bán hàng không nhận, thế là Thùy Dương phải đi mượn tiền giúp bạn. Nghe thấy Thùy Dương kể như vậy, Dương Cầm (con gái thứ hai của tôi) kể: “Em còn thấy người ta không tiêu tiền 500đ đấy chứ. Đấy, hôm trước em gặp ở chợ, một cô đưa cho cô bán rau hai tờ 500đ thì cô bán rau bảo là “Ai còn tiêu tiền này nữa”. Thùy Dương nói theo: “Thế sao người ta lại đổi tiền 500đ nhỉ, mà Tết ở lớp con, có cô mừng tuổi chúng con 500đ đấy, vào chùa, cũng thấy người ta công đức 500đ. Mà mẹ thấy không, trong thùng tiền công đức ở khu chung cư nhà mình, có nhiều tờ 200đ và 500 đ nhất đấy. Nếu không tiêu được tiền đó thì người ta công đức, người ta đổi tiền làm gì nhỉ?”.

Tôi giải thích với con rằng, vì tiền có mệnh giá nhỏ, trong khi vật được mua với số tiền lớn nên nếu dùng tiền này thì người ta ngại. Chứ Quy định của pháp luật thì tiền 200đ hay 500đ đều có giá trị. Trong trường hợp ai đó không chấp nhận tiền này thì con có thể thắc mắc: “Cô không nhận tiền này là sai quy định của pháp luật đấy, cháu không chịu đâu?” thì chắc chắn họ sẽ phải chấp nhận thôi con”.

Chuyện thứ hai: Tiền có phải là một loại hàng hóa?

Hôm đó là một ngày áp Tết âm lịch. Cháu gái của tôi tên là Linh, làm ở Ngân hàng, thông báo với tôi rằng có thể giúp tôi đổi tiền mới cho việc mừng tuổi. Thùy Dương ngồi cùng tôi, cháu nghe được câu chuyện rằng ở bên ngoài, người ta đang đổi “10 ăn 8”.

Cháu hỏi tôi: “Mẹ ơi, 10 ăn 8 nghĩa là gì ạ?”. Chị Linh trả lời thay tôi: “Nghĩa là đổi một triệu thì chỉ được tám trăm nghìn tiền 10.000đ mới thôi em nhé.”. Thùy Dương rất thắc mắc tại sao lại có chuyện đổi tiền như vậy, tiền nào cũng có giá trị như nhau. Chị Linh giải thích rằng, vì ngày Tết, ai cũng thích được mừng tuổi bằng tiền mới nên người ta đổi tiền. Do lượng tiền mới khan hiếm, không phải ai cũng đổi được, nên những người có tiền mới muốn có lợi nhuận, họ đã bán tiền mới, lấy tiền cũ như vậy thông qua việc đổi tiền.

Tôi thỉnh thoảng đi công tác ở nước ngoài. Những lần như vậy, tôi phải đổi tiền. Tôi có nhờ Thùy Dương tra cứu tỉ số hối đoái để chuẩn bị số tiền Việt Nam tương ứng. Cả hai đứa, Thùy Dương và Dương Cầm rất thắc mắc khi thấy tôi phải chuẩn bị dư ra, chẳng hạn hôm đó tỉ số niêm yết của ngân hàng Vietcombank là 25.650đ đổi một Euro, còn tôi lại chuẩn bị số tiền là 27.000đ. Tôi giải thích rằng, mẹ phải đổi tiền ở một cửa hàng không thuộc ngân hàng, vì thế sẽ đắt hơn. Thùy Dương suy nghĩ rồi nói với tôi: “Tiền chính là một loại hàng hóa đúng không mẹ, vì mua được, và mỗi nơi có thể bán với một giá khác nhau”.

Tôi cũng đồng tình với con gái, và giải thích rằng, đó là một thực tế. Khi con tiêu tiền thì phải chú ý đến điều đó.

Chuyện thứ ba: Làm việc gì cũng được trả tiền?

Dương Cầm nói rằng các bạn ở lớp đều được trả tiền khi làm việc. Chẳng hạn, một bạn rửa xong bát được trả 5.000đ, quét nhà được trả 2.000đ, đánh nhà vệ sinh được trả 5.000đ, … Dương Cầm đề xuất rằng con cũng được trả tiền vì con đã làm những việc đó từ lớp 1 rồi (bây giờ cháu học lớp 3). Thùy Dương thấy vậy liền nói: “Con cũng đề nghị được trả tiền, con còn làm hơn em 2 năm cơ (con đang học lớp 5)”.
Tôi hỏi hai con:
– Nếu bố mẹ không trả tiền thì sao?
Dương Cầm nói:
– Thì con không làm nữa.
Tôi nói:
– Con không làm thì bố hoặc mẹ phải làm đúng không? Vậy ai sẽ trả tiền cho bố mẹ đây?
Sau một hồi suy nghĩ, hai con cùng đáp:
– Con không biết. Nhưng tại sao các bạn con lại được trả tiền.
Tôi nói:
– Mỗi một gia đình có một quy tắc riêng. Ở nhà ta, làm việc nhà là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình, các con còn nhỏ, thì được bố mẹ dạy cho để biết làm, rồi sau đó phải làm để thể hiện trách nhiệm ấy, đồng thời còn rèn luyện kĩ năng sống nữa.

Con thấy đấy, năm ngoái, khi con làm trợ giảng ở POMATH, con làm tốt, thì được trả lương, vì việc đó là con lao động ngoài gia đình. Những việc trong gia đình thì bố mẹ sẽ không trả tiền được. Cũng như bố mẹ, đi làm sẽ được trả lương, nhưng làm việc nhà thì không được trả lương.


Chuyện thứ tư: Tại sao mỗi cửa hàng bán sách, cùng bán một loại sách mà giá thì khác nhau?

Ngày Hội sách vừa rồi, gia đình chúng tôi đi Hội sách ở công viên Thống Nhất. Chúng tôi đi xe bus số 38, xuống bến ở Cung Văn hóa Hữu Nghị rồi cùng nhau đi bộ ra công viên. Hôm đó, chúng tôi đã thảo luận trước với nhau về các loại sách sẽ mua. Chúng tôi chia làm 4 loại:

Thứ nhất là sách để đọc chung cho cả gia đình (nhà chúng tôi quy định mỗi tuần dành 60 phút vào buổi tối (thường là thứ 7) để đọc sách cho nhau nghe);

Thứ hai là sách văn học cho hai chị em Dương – Cầm tự chọn;

Thứ ba là sách của tôi (tôi cũng thường chọn sách văn hóa hoặc lịch sử); thứ tư là sách hay mới ra (thường do bố Minh chọn). Thùy Dương sau khi đi dạo một vòng, qua khoảng 8 cửa hàng thì nói:

– Mẹ ơi, có nhiều cửa hàng bán truyện Kính Vạn hoa lắm, nhưng mỗi nơi một giá khác nhau. Có nơi giảm 20%, có nơi bán đồng giá mẹ ạ.
Tôi hỏi con:
– Thế con chọn ở cửa hàng nào?
Thùy Dương nói:
– Con chọn mua ở Kim Đồng, vì cũng được giảm giá, nhưng vì đây là đơn vị xuất bản với lại có được tặng thêm quà nữa nên con sẽ mua.
Tôi nói:
– Lí do của con có vẻ hợp lí đấy. Con cứ mua theo ý con đi.

Thực ra mỗi đứa trẻ dù còn nhỏ đã đều có chính kiến của mình. Các cháu càng trải nghiệm với óc quan sát tốt thì sẽ đưa ra những lí do xác đáng theo một kiểu thú vị. Không phải lúc nào rẻ cũng là lí do tốt nhất.

Chuyện thứ năm:

Thùy Dương chính là người thử nghiệm đầu tiên cho tất cả các bài học mà tôi viết ra trong chương trình POMATH. Lúc tôi quyết định đưa tiền Việt Nam, tiền của Mỹ (Đô la), Anh (Bảng Anh), Trung Quốc (Nhân dân tệ), Liên minh Châu Âu (Ơ rô) vào chương trình có nhiều ý kiến thắc mắc lắm.

Ý kiến của các chuyên gia làm sách và chương trình là: các cháu lớp 1, chưa học đến vòng nghìn thì làm sao học được tờ tiền 100.000đ. Với tôi, “học được” làm sao quan trọng bằng “được học”. Các con ở tuổi ấy đã biết về tiền trong cuộc sống rồi, vì thế việc chúng trải nghiệm để hiểu và ứng xử đúng với nó thì có gì xa lạ. Tất nhiên tôi rất thận trọng, tôi đã thử nghiệm rất nhiều lần ở các trường khác nhau để cho thấy, chúng dễ dàng thoát li ra khỏi những con số hình thức (các vòng số, các phép tính trên đó) để thực hiện những “phép toán” về tiền. Chúng tôi đưa vào bài học của POMATH những hoạt động về tiền khiến lũ trẻ rất hứng thú. Chúng được phát những tờ tiền (chúng tôi in mô hình rồi ép plastic), để trao đổi với nhau, tập đi chợ, đi siêu thị, …

Khá nhiều người cũng có ý kiến rằng không nên đưa ngoại tệ vào chương trình. Nhưng với tôi, việc mở mang đời sống của các học sinh là một mục tiêu rất được quan tâm. Các bạn nhỏ được đi du lịch, được hiểu ý nghĩa của quy đổi ngoại tệ, được làm quen với các đồng tiền khác nhau,… Chúng kết nối rất nhanh qua các kiến thức lịch sử, địa lí của mỗi quốc gia, ….

Từ lớp 1 đến lớp 5, mỗi lớp chúng tôi đều có dạy về tiền nhưng gắn với những nội dung và mức độ khác nhau. Lớp 1, các con nhận biết được cách mệnh giá phổ biến; biết dùng nó để mua hàng trong siêu thị, trong đi chợ; biết đổi tiền,… Để làm được điều đó, chúng tôi thiết kế thành những trò chơi. Trẻ lớp 1 thực hành được, mà chưa thực tính được. Nhưng các con đều không “ngơ ngác” trước tiền, chúng bắt đầu ý thức được giá trị của từng đồng tiền. Rồi ở các lớp lớn hơn, qua dự án học tập, các con thực hiện được các phép tính phức tạp, lập được những bảng giá, học làm những việc của kế toán, thủ quỹ, ….

Chuyện về tiền không chỉ nằm ở tính toán. Có con tính nhanh, tính nhẩm tốt như một cô bán hàng, nhưng quyết đoán khi mua một loạt sản phẩm (cần ước lượng) lại không bằng bạn tính nhẩm kém.

Điều tôi thấy thú vị nhất đấy là hàng nghìn bạn nhỏ của tôi, các con tôi, qua mỗi câu chuyện, mỗi bài học đã cho tôi biết, hiểu về tiền chính là những điều cần thiết đầu tiên để các con bước vào cuộc sống. Cho nên, tôi không ngại thảo luận và bày những hoạt động cho các con trải nghiệm, từ đó phát triển bản thân.

Tiết học về “Tiền Việt Nam” tại trường Tiểu học Archimedes Academy



    +