Dạy Toán có lời văn cho trẻ tiểu học, đặc biệt là trẻ ở các lớp đầu cấp luôn là một thách thức đối với không chỉ phụ huynh học sinh mà còn cả các giáo viên đứng lớp. Dưới đây là một bài chia sẻ về cách dạy bài toán nhiều hơn và ít hơn cho học sinh lớp 2 của một giáo viên có trên 20 năm kinh nghiệm đứng lớp. Mời các bạn cùng tham khảo!
KHAI THÁC BÀI TOÁN NHIỀU HƠN – ÍT HƠN CÓ CÙNG LỜI GIẢI BẰNG CÁCH CHO HỌC SINH ĐẶT ĐỀ BÀI KHÁC
Bài toán:
Đề 1: Hàng trên có 5 quả cam, hàng dưới có nhiều hơn hàng trên 2 quả cam. Hỏi hàng dưới có mấy quả cam?
Bài giải:
Số quả cam ở hàng dưới có là
5 + 2 = 7 (quả)
Đáp số : 7 quả cam.
Giáo viên đặt một đề toán khác rồi cho học sinh giải và so sánh hai bài giải.
Đề 2: Hàng trên có 5 quả cam, hàng trên có ít hơn hàng dưới 2 quả cam. Hỏi hàng dưới có mấy quả cam?
Lời giải của đề 2 giống hệt đề 1, chỉ có cách diễn đạt đề bài là khác. Vậy cùng bài giải ta đặt thêm các đề toán khác, cho trẻ so sánh hai đề dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Một số cách đặt đề bài tương tự:
Bài 1.
Đề 1: Hòa có 4 bông hoa, Bình có nhiều hơn Hoà 2 bông hoa. Hỏi Bình có mấy bông hoa?
Giáo viên có thể cho học sinh vẽ sơ đồ để giải bài toán.
Sau khi giải xong, có thể hướng dẫn đặt đề khác như trên hoặc có thể cho trẻ khá, giỏi làm.
Đề 2: Hoà có 4 bông hoa, Hoà có ít hơn Bình 2 bông hoa. Hỏi Bình có mấy bông hoa?
Có thể cho giải và so sánh bài giải để trẻ hiểu rõ cùng một vấn đề nhưng được diễn đạt theo hai cách khác nhau, còn bài giải đều giống nhau.
Tương tự áp dụng cho các bài tập sau ở sách giáo khoa (SGK) toán 2, trang 24.
Bài 2. Nam có 10 viên bi, Bảo có nhiều hơn Nam 5 viên bi. Hỏi Bảo có bao nhiêu viên bi?
Bài 3. Mận cao 95cm, Đào cao hơn Mận 3cm. Hỏi Đào cao bao nhiêu xăng-ti-mét?
Ở các tiết học sau gặp dạng này các bạn vẫn cho trẻ làm như vậy, trẻ được ra đề bài cho người khác giải sẽ chủ động, phấn khởi, tự tin, hứng thú khi học toán …
Trong tình huống dạy học trên lớp, giáo viên có thể chia tổ, nhóm theo trình độ học sinh, cho học sinh tự ra đề, tự giải, tự kiểm tra, sau đó các bạn trong nhóm kiểm tra lại.
Bài toán về ít hơn cũng có thể được dạy theo cách tương tự như vậy. Chẳng hạn:
Bài 4.
Đề 1: Hàng trên có 7 quả cam, hàng dưới có ít hơn hàng trên 2 quả cam. Hỏi hàng dưới có mấy quả cam?
Đề 2: Hàng trên có 7 quả cam, hàng trên có nhiều hơn hàng dưới 2 quả cam. Hỏi hàng dưới có mấy quả cam?
Bài 5.
Đề 1: Vườn nhà Mai có 17 cây cam, vườn nhà Hoa có ít hơn vườn nhà Mai 7 cây cam. Hỏi vườn nhà Hoa có mấy cây cam?
Đề 2: Vườn nhà Mai có 17 cây cam, vườn nhà Mai có nhiều hơn vườn nhà Hoa 7 cây cam. Hỏi vườn nha Hoa có mấy cây cam?
Các bạn cùng suy ngẫm để tìm cách dạy tương tự cho các dạng toán khác nhé.
Theo cô giáo về hưu Nguyễn Chiên
Chia sẻ của tác giả:
Các bài dạng này tôi đã áp dụng cho học sinh lớp 1 từ năm 1999. Nay tôi viết lại cùng chia sẻ với cha mẹ học sinh và các bạn giáo viên tham khảo, nếu áp dụng được tôi nghĩ sẽ tốt hơn cho các em. Các bạn giáo viên hãy tâm huyết, yêu trẻ từ trái tim, hãy thay đổi để học sinh yêu thầy cô, hứng thú học hơn thì chính các bạn sẽ yên tâm công tác, sẽ yêu nghề và giúp cho những đứa trẻ trở thành công dân tốt, có ích cho đất nước.
Chúc các bạn thành công!
Pingback: RA MẮT BỘ SÁCH "POMATH TOÁN TƯ DUY CHO TRẺ EM LỚP 1"
Pingback: Giáo dục trẻ em về giá trị của tiền - POMath - Toán tư duy cho trẻ từ 4-11 tuổi