Đến lúc này, tôi nhận ra rằng, rất ít người tin vào “Sự chủ động” là chìa khóa để học tập tốt. Họ cho rằng, cần phải biết làm theo, làm đúng mới yên tâm để sống và thành công. Điều đó có thể đúng khi chúng ta thực hiện một quy trình, cần tuân thủ kỉ luật. Nhưng khi còn nhỏ, mà các học sinh chỉ làm khi bị bắt buộc, và làm phải bắt chước giống hệt thì sao? Có phải vì thế mà nhiều các em như thế đã lớn lên, khi đi làm, khi người làm chủ xã hội, vì chán ghét sự tuân thủ, mà các em sẽ học cách làm sai có chủ đích.
Có những em vì vậy mà không có niềm tin vào bản thân, cứ lầm lũi làm theo sự chỉ bảo của người khác, là đứa trẻ không bao giờ lớn trong gia đình. Điều này là có thật khi tôi chứng kiến có những bạn sinh viên năm thứ 4, lần đầu xa nhà đi thực tập, cứ liên tục phải gọi điện về hỏi mẹ, rồi bạn ấy bị điểm kém, bố mẹ cũng đến gặp trưởng khoa để xin. Anh của bạn ấy thì không khác gì nhân vật trong phim “Sống chung với mẹ chồng”,… chẳng thể làm chủ cuộc sống của mình, của gia đình nhỏ của mình.
Từ năm 2011, khi chúng tôi tìm tòi và xây dựng phương pháp cốt lõi cho POMATH và sau này cho Alpha school, Pascal school, chúng tôi tìm thấy GIÁ TRỊ mà mỗi đứa trẻ cần được nhà trường và gia đình giúp đỡ, để có như là một thành tố quan trọng nhất giúp các bạn tự tin bước vào cuộc sống đó là sự TỰ CHỦ. Khá nhiều người nói với tôi rằng, chúng tôi đang quá lãng mạn.
Nhưng thực tế suốt những năm qua, cái khiến chúng tôi hạnh phúc nhất, không phải là chúng tôi đứng vững, mà là, chúng tôi đã tìm thấy xung quanh mình, những Trường hợp nghiên cứu thành công, từ việc giúp các học sinh học chủ động, đến việc khiến các em học tốt, từ việc mỗi gia đình đều thờ ơ hoặc không có niềm tin vào giáo dục gia đình thì nay họ đã biết rằng: gia đình, không chỉ là nơi cho trẻ ngủ, trẻ ăn, cho trẻ tiền đi học, … mà còn là trường học quan trọng nhất, là nơi giúp trẻ được nhiều nhất.
Hãy quan tâm tới trẻ nhiều hơn để giúp trẻ chủ động trong học tập
NẾU Trẻ rè rặt và hay thẹn thùng, hầu như không bao giờ đặt câu hỏi, yêu cầu trong lớp và gặp khó khăn khi trả lời câu hỏi của giáo viên, HÃY giúp học sinh tiến bộ bằng cách hiện sự tốt bụng, nhất quán, luôn động viên khích lệ.
NẾU Trẻ tỏ ra không thích học, hiếm khi làm bài tập về nhà hoặc làm rất cẩu thả, hay viện nhiều lý do linh tinh và chủ yếu bắt đầu bằng “Em không làm được”, “Em không biết”, HÃY Nhấn mạnh rằng trẻ có thể thành công ở một việc với mức độ nào đó, bắt đầu đặt ra các thử thách từ dễ dàng vượt qua đến các thử thách vừa sức và nâng dần mức độ khó, luôn thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối.
NẾU Trẻ Khó kiểm soát bốc đồng, không có khả năng ngồi yên một chỗ hoặc làm việc trong im lặng, có xu hướng buột ra câu trả lời, liên tục gây rắc rối và có làm gián đoạn người khá, HÃY giúp Trẻ cụ thể hóa các bước để hoàn thành công việc được yêu cầu; có thể liệt kê danh sách công việc ra giấy rồi yêu cầu trẻ thực hiện, sau đó tổng kết.
NẾU Trẻ Không thể chú ý đến tiểu tiết, hiếm khi tỏ ra ra lắng nghe, khó khăn khi tổ chức công việc, hay quên, dễ bị phân tán bởi tác nhân kích thích bên ngoài, HÃY giúp các bạn ấy quan sát tỉ mỉ, chỉ bảo từng tí nhưng phải hấp dẫn, lôi cuốn sự chú ý, và giúp bạn ấy có cuốn sổ ghi chép (bằng chữ, bằng hình ảnh, bằng sơ đồ đều được), và yêu cầu bạn ấy kể về những điều đã trải qua, làm bạn, và học hỏi từ bạn ấy.
NẾU Trẻ Hay tự phê bình, ít coi trọng bản thân, trong sâu thẳm là người dễ tổn thương, bạn ấy cho rằng hoàn hảo là cách duy nhất để có được tình yêu, sự tôn trọng và chú ý. Những bạn này cũng rất sợ thất bại, và hay do dự, trì hoãn thậm chí kiếm cớ để không làm nếu thấy công việc không tạo ra kết quả. HÃY Giúp bạn ấy vượt qua rào cản tâm lý, mở lòng với bản thân và mọi người. Thông thường hãy giúp bạn ấy hướng tới các hoạt động cộng đồng, trong phạm vi lớp học và nhà trường thì thường là giúp đỡ bạn học kém hơn. Nói chuyện và đưa ra lời khuyên giúp học sinh có cái nhìn tích cực về các “sai lầm”.
Ai cũng có thế mạnh. Học Toán kém ư, bạn có thể chơi thể thao, có thể biết nhiều về nghệ thuật. Hãy đem thế mạnh đó vào môn học, và tặng nó cho bạn bè. Sự giao lưu này sẽ khiến các bạn CHủ động hơn, và chủ động học lại những điều người khác có. Một ngày nào đó, cậu bé nhút nhát dám đứng trước đám đông, dám nói lên suy nghĩ của mình, và dám hỏi thầy cô về những điều mình chưa thực sự hiểu. Hiểu rồi, sẽ chủ động học tiếp.
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ
- Ví dụ về tư duy sáng tạo và phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh
- RA MẮT BỘ SÁCH “POMATH TOÁN TƯ DUY CHO TRẺ EM LỚP 1”
- Ra mắt bộ sách “POMATH – Sách toán tư duy cho trẻ 4-6 tuổi