Tôi dám chắc rằng với bất kì ai đó khi lần đầu gặp chị, sẽ là một cảm nhận vô cùng tin tưởng và bị thuyết phục, bởi chị không những am hiểu về chuyên môn công việc của mình với xuất phát điểm là giáo viên dạy Toán, mà dường như nội hàm trong con người chị là cả bầu trời về kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, rồi đến cách ứng nhân xử thế và cả các nguyên tắc trong điều hành kinh doanh. Em tôi – 1 giáo viên dạy văn, khi được chị hướng dẫn cách soạn giảng, cách tương tác với học trò trong bài văn “Chữ người tử tù” đã hỏi tôi rằng “Chị ấy chắc phải là giáo viên dạy văn chứ?”.
Chị Quyên Nguyễn chụp ảnh cùng cô Chu Cẩm Thơ nhân dịp cô Thơ nhận học hàm PGS năm 2016
Nhưng nếu chỉ vậy thôi thì sẽ chưa thể thuyết phục tôi đồng hành cùng chị trong dự án vô cùng “lãng mạn” – POMath. Lãng mạn bởi lẽ nó được điều hành và thực hiện bởi những con người thuần tuý làm giáo dục, bởi nó không có chiến lược thị trường. Tất cả chỉ bởi vì chúng tôi – những người đồng hành cùng chị tin chắc đó là con đường đúng đắn cho việc giáo dục con trẻ. Điều thuyết phục tôi dốc sức để đồng hành cùng chị chính là ở sức sáng tạo và sự chuyên nghiệp trong công việc của chị. Điều mà sau 10 năm đi làm, tôi nhận ra đó chính là điểm yếu kém của mình. Tôi tự hỏi tại sao chị ấy có sức sáng tạo đến vậy, phải chăng đó là thiên bẩm mà ông trời cho chị? Nhiều lúc tôi cảm thấy bất lực với mình vì không thể có một ý tưởng, một sáng kiến nào ghi đủ 1 mặt giấy. Và tôi tự nhủ đó là bởi vì mình sinh ra chỉ thế. Vậy nhưng sau 5 năm đồng hành cùng chị, tôi ngộ ra một điều, rằng chính cách giáo dục, cách áp đặt suy nghĩ của người lớn làm hao mòn dần sự sáng tạo – điều làm nên sự đột phá trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Và tôi tin tưởng rằng, chính những nỗ lực của chị cho việc giáo dục hiện nay sẽ góp phần thay đổi phần nào điều này trong kết quả giáo dục con trẻ.
Nhưng sáng tạo thôi là chưa đủ, chính sự chuyên nghiệp trong công việc của chị mới tạo nên những thành quả của hôm nay: Một PGS. TS chuyên ngành Giáo dục học khi mới 36 tuổi, giám đốc nghiên cứu sáng tạo POMath và nay trở thành người phụ nữ trẻ nhất trong số những người hoạt động trong lĩnh vực Khoa học – Giáo dục được Fobes công bố trong danh sách 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019. Sự chuyên nghiệp ấy tôi cảm nhận được ngay từ thời còn là cô sinh viên năm nhất khoa Toán Tin trường ĐHSPHN, hết sức ngưỡng mộ người chị sinh viên năm hai nhưng đã là người dẫn dắt các hoạt động Đoàn và hội sinh viên của khoa, của trường. Đã vậy, các chương trình báo cáo nghiên cứu khoa học được chị tham gia thường niên với những chủ đề vô cùng táo bạo. Bởi vì ngày ấy không mấy ai trong khoa Toán lại đi nghiên cứu về cách dạy toán cho học sinh tiểu học. Phần lớn sinh viên Khoa Toán ngày ấy xem việc giải toán khó, chứng minh những định lý nổi tiếng mới đáng để nghe thì dường như coi đó là những thứ “bỏ qua”. Chị là số ít những người tham gia các hoạt động xã hội mà tôi biết, lại chọn con đường nghiên cứu khoa học. 10 năm sau ngày ra trường, chị đã cho ra đời đứa con tinh thần POMath, mà nếu không phải là những nỗ lực bền bỉ thì sẽ không bao giờ có được. Sự chuyên nghiệp của chị thể hiện từ việc lên kế hoạch, chương trình đến việc tuân thủ nghiêm ngặt các mốc quan trọng của công việc. Ở bên chị chúng tôi luôn cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ nhưng cũng hết sức khắt khe và nghiêm khắc.
Ngày hôm nay chúng tôi lại được thêm một tự hào về chị khi chị chính thức được vinh danh trong danh sách 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019. Một động lực để chúng tôi cùng nhau thực hiện những dự án xã hội, các chương trình nghiên cứu và ứng dụng giảng dạy mới trong thời gian tới.
Nguyễn Thị Quyên, Thành viên HĐQT POMath