Câu chuyện của Dương, của Cầm đều lặp lại giống nhau khi con bị phê bình vì không thuộc bảng cộng. Hai con của tôi, được học theo cách “hiểu về số” mà không học thuộc. Thế nên, khi kiểm tra con có thuộc bảng cộng không thì con sẽ trả lời là không, con sẽ đọc ngắc ngứ, con sẽ trả lời chậm hơn các bạn khác (vì con vừa đọc vừa nghĩ).
Khi tranh luận với các giáo viên tiểu học, các cô đều đồng ý với tôi rằng: Trong chương trình, chuẩn và sách giáo khoa đều không có yêu cầu nào về việc phải “thuộc bảng cộng/ trừ/ nhân/ …” cả. Nhưng tại sao chúng ta lại bắt tụi nhỏ học thuộc? Đó là câu hỏi ngược lại của tôi. Hóa ra, chúng ta đều tin rằng, vì học thuộc mà những đứa trẻ sẽ làm tính tốt hơn. Những nghiên cứu chỉ ra rằng không hề có chuyện đó. Có thể chúng tính nhanh hơn, nhưng chỉ là phép tính nằm trong phạm vi đã được học thuộc. Còn chỉ những đứa trẻ hiểu, chúng mới làm nhanh thật sự.
Việc học thuộc một bảng tính cũng không hề dễ dàng. Ai đã làm cha mẹ có con đi học lớp 1, lớp 2 mới thấm. Tụi nhỏ vốn đã ham khám phá và chỉ học qua khám phá nay phải cố gắng học thuộc. Chúng mất quá nhiều thời gian (có thể áng chừng được bằng cách so sánh thời gian học tập ở nhà của đứa trẻ, có phụ huynh phàn nàn rằng nó chẳng có việc gì khác ngoài học thuộc, chép lại). Chúng mất quá nhiều cơ hội. Chúng đã mất quá nhiều sự “ham thích”. Vì sau những lần phải thuộc, chúng sẽ nghĩ “toán là như thế”, nên chúng ghét, chúng sợ.
Có lẽ, về sau này, chúng càng ngày càng học kém toán, không biết cách học, học không hiệu quả bắt nguồn từ đấy. Chúng chỉ muốn chờ đợi có bài mẫu, làm theo, và chẳng muốn nghĩ gì thêm (vì chúng có nghĩ cũng không nghĩ được).
Cho nên, hãy cho những đứa trẻ được khám phá, trả cho chúng cơ hội học tập bằng sự ham thích, để chúng được nghĩ và được trả lời.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ