Đó là một cuộc hội thoại. Chỉ là câu chuyện kể của hai mẹ con tôi, và hôm sau có sự tham gia của bố cháu.
Ngay từ lúc 5 tuổi, các cháu đều học qua đối thoại với tôi. Tôi không bao giờ tung các cháu làm những phép tính trước khi trò chuyện với nhau để “chơi” với những phép tính đó. Chẳng hạn, tôi và Cầm cùng bước lên những bậc thang. Tôi sẽ hỏi con: Con đếm xem, còn bao nhiêu bậc nữa thì chúng ta sẽ tới đích. Cầm sẽ dừng lại và đếm cùng tôi. Khi con bước thêm được hai bậc, tôi hỏi, còn mấy bậc nữa nhỉ? Những lần đầu tiên, con sẽ lại dừng và đếm. Cho đến một ngày, con không đếm, mà trả lời rằng “còn ba bậc nữa mẹ ạ”.
Khi tôi xếp đồ chơi cùng con. Chúng tôi thường đóng vai để đố nhau những câu rất hóc búa. Chẳng hạn, mảnh gỗ này là con gà. Con xem ta có bao nhiêu con gà. Lúc ấy, tụi nhỏ thường “cãi” vì chúng muốn theo ý của chúng. Cầm thì thích hổ. Lúc nào cũng bảo, không phải mảnh gỗ là con gà, mảnh gỗ sẽ là con hổ, con có một bầy hổ. Sau đó, chúng tôi chia “gà”, chia “hổ” vào chuồng. Những câu chuyện về mối quan hệ giữa các con vật ấy nảy sinh bao nhiêu là bài toán. Nào là con hổ thì có bốn chân, thế cả bầy hổ (thường là 2,3, 4,5, … con) thì có bao nhiêu chân nhỉ? Rồi một hôm, hai con hổ đi vắng, bác gấu đến để phát quà 1.6, bác hỏi, bạn hổ nào ở nhà thì ra lấy quà. Hổ Cầm sẽ xử lí ra sao? Cầm bảo rằng, cần nói với bác Gấu rằng có hai bạn vắng nhà để bác ấy phát thêm cho 2 món quà, và con sẽ nhận hộ.
Thông thường, chúng ta đều nghĩ “toán có lời văn” thì khó hơn học tính, và phải để sau khi học tính thành thạo mới học toán có lời văn. Nhưng chúng ta quên mất, bản chất của các số, của các phép tính là thể hiện quy luật của các tình huống thực tiễn, và mỗi bài toán có lòi văn có thể phản ánh một tình huống thực tiễn ấy. Cho nên, chúng ta thường không dùng cách dạy hiểu số, hiểu phép tính trong bối cảnh (có cả ngôn ngữ mô tả). Rồi, đến khi gặp dạng toán, chúng ta gán cho trẻ những quy trình, quy tắc, bắt trẻ học theo. Tôi có ghi lại một ví dụ thế này:
Cô giáo cho đề bài “Nhà bạn An có 5 con gà, mẹ bạn An mua thêm 2 con nữa, hỏi nhà bạn An có tất cả mấy con gà?”.
Cô giáo Hướng dẫn con như sau: Đầu tiên gạch chân vào các từ “5 ”, “mua thêm”, “2”, “tất cả mấy con”. Rồi điền theo mẫu
Nhà bạn An có tất cả số con gà là: 5 + 2 = 7 (con gà).
Cho nên, học sinh trả lời rằng: Nhà bạn An có số gà là: 5 + 2 = 7 (con gà) hoặc khi gặp một bài khác: “Em có 5 cái kẹo, mẹ cho em thêm nên em có 7 cái kẹo, hỏi em đã được mẹ cho thêm tất cả mấy cái kẹo”.
Và học sinh đã trả lời: 5 + 7 = 12 (cái kẹo).
Hôm qua, Thùy Dương nói với tôi về nguyên lí Dirichlet. Con bé bảo rằng thực ra con đã biết nó từ lâu rồi mẹ nhỉ. Con nhớ, lúc mẹ cho con chơi trò nhét mảnh gỗ vào những hộp quà. Chúng ta đã làm ảo thuật, khi có một hộp quà lại có hai món quà mẹ nhỉ. Cái cụm từ “ít nhất” đã quen thuộc với con từ đó, cho nên hôm nay con giải thích ngay cho tôi rằng, trong tổ của con 14 bạn, thì có “ít nhất” 2 bạn sinh cùng tháng rất mạch lạc.
Toán có lời văn với tụi nhỏ đơn giản chỉ là “tình huống hóa” những phép tính. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sai lầm của học sinh khi giải toán dạng này đó là “trẻ không hiểu được ý nghĩa của tình huống mà phép tính được gán vào” kể cả khó khăn về ngôn ngữ. Thế nên, nếu trẻ đã hiểu và trải nghiệm đủ, thì trẻ sẽ ít gặp khó khăn hơn khi giải toán có lời văn.
PGS. TS Chu Cẩm Thơ