KỂ CHUYỆN HỌC TOÁN: HỌC TÍNH TRƯỚC HAY TƯỞNG TƯỢNG TRƯỚC?

Albert Einstein là một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lịch sử loài người. Sự sáng tạo không ngừng cho phép thế giới quan của ông mở rộng không có giới hạn. Ông đã nói thế này:

“Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức là hữu hạn. Trí tưởng tượng là vô cùng và bao quát toàn thế giới”.

Điều ông nói về sức mạnh của trí tưởng tượng, và những hạn chế của kiến thức. Bằng nhiều cách, kiến thức rất dễ dàng có được, nhưng trí tưởng tượng thì cần có sự dũng cảm và kiên trì. Một lần khác, ông nói: “Tưởng tượng mới làm bạn sáng tạo”.

Nhiều cha mẹ hỏi, tại sao con tôi khi đi học thì chỉ làm những bài cô giáo đã giao, đã chữa. Gặp những bài lạ, câu hỏi lạ, cháu thường lười nghĩ, và chỉ muốn nói cho tôi hiểu “Con chưa được học bài này!”.

Nguyên nhân vì sao ư? Có thể bắt nguồn từ chính phụ huynh. Vì chúng ta đã tham vọng kết quả, và cho con bắt đầu học những quy tắc, những bài mẫu mà quên mất, chúng phải mày mò, phải tưởng tượng.

Tượng tượng bắt đầu từ đâu? Đó là cuộc đối thoại của con và cha mẹ, của con và cô giáo và của những người bạn với nhau. Kể, mô tả về sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ với những thứ khác, cả những thứ quen thuộc, rồi xa lạ. Chúng tìm thấy những cái mới trong những thứ cũ rích. Chẳng hạn, Tưởng tượng ra những thứ xung quanh mình thay đổi thế nào, để diễn đạt, để biện minh, để suy luận. Hình tròn cũng có thể trở thành một hình khác, nếu con kéo chiếc dây chun hình tròn, và nó trở thành hình ovan. Hình chữ nhật lại biến thành hình vuông, vì con đã bớt đi chiều dài của cạnh. Chiếc vỏ lon lăn lông lốc, vì nó tròn… Con có thể sáng tạo từ 7 mảnh ghép thành hàng nghìn hình khối. Con có thể gấp mảnh giấy thành những ngôi sao, thành những mô hình, …. Sự biến hóa khiến con thấy mình có khả năng vô hạn và thế giới từ vô cùng mà đơn giản như tờ giấy trên tay khi con làm chủ được nó.

Hôm qua, anh bạn học đại học của chồng tôi, một chuyên gia CNTT cố gắng giúp con mình tính diện tích một hình thoi. Cô bé ngại ngần, và sau đó khẳng định rằng con không tính được, vì con chưa được học công thức đó. Anh ấy đã lấy chiếc bút, và nói: “Con hãy tưởng tượng, cắt cái hình này ra, ghép thành hình chữ nhật xem sao”. Tôi quan sát câu chuyện của bố con anh ấy, và thấy anh ấy đã làm đúng cách. Nhưng vì sao cô bé không thích nghi được, không theo được điều gợi mở của bố. Hóa ra, ở trường, từ rất lâu, con đã không được học như thế. Người ta dạy con luôn công thức, và chỉ thế là hết. Điều tôi muốn nói ở đây, việc cho trẻ tưởng tượng từ nhỏ quan trọng thế nào. Chúng ta không thể hình thành thói quen tư duy khi chúng lớn được, mà phải là từ rất nhỏ. Còn bây giờ, khi chúng đã học lớp 3, lớp 4, … chúng ta phải mất nhiều công hơn, phải khó khăn hơn gấp bội.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ



    +