PGS. TS Chu Cẩm Thơ Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển chương trình Toán POMath Từ khóa: hứng thú học tập, học tập trải nghiệm, tư duy toán học. Các nghiên cứu giáo dục đều rất coi trọng vai trò của hứng thú đối với việc học của con trẻ. Chẳng hạn, có một chi tiết rất đáng lưu ý cho các phụ huynh và giáo viên dạy Toán, đó là: Ở Đài Loan, khi tham gia đánh giá trên diện rộng bởi các đánh giá quốc tế, họ đều có xếp hạng rất cao trong môn Toán. Nhưng khi phân tích các chỉ số, thì họ không yên tâm, vì học sinh lại không có hứng thú trong học Toán. Tương tự như vậy với trường hợp của Vương quốc Anh. Năm 2010, trong nghiên cứu của mình tôi cũng gặp phải vấn đề đó. Trong hơn 1000 học sinh THPT được hỏi, tôi nhận thấy hầu hết các em không học toán bởi hứng thú mà chủ yếu để đạt kết quả tốt ở các kì thi. Năm 2011, khi nghiên cứu triển khai chương trình Phát triển tư duy thông qua môn Toán cho trẻ em POMath, tôi và các cộng sự có khảo sát các phụ huynh có con trong độ tuổi từ 5 đến 10 tuổi, thì thật bất ngờ, đa số họ cũng không quan tâm đến hứng thú học tập của con.
Trên thế giới, có các nghiên cứu đã thiết lập được mối quan hệ giữa tình cảm và học tập (Ormrod, 1999). Học sinh trở nên thành thạo hơn trong giải quyết vấn đề khi chúng thích những gì chúng đang làm. Những học sinh có tâm trạng tốt và đang hứng khởi học tập có thể chú tâm tới những thông tin được truyền đạt, ghi nhớ, ôn nhẩm lại có chủ đích và áp dụng. Tâm trạng lo lắng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc học hành, và cần phải có sự khơi dậy ở mức tối đa để có được kết quả tối đa. Lớp học có “môi trường” tích cực hơn sẽ thúc đẩy học sinh tham gia và học hỏi nhiều hơn so với các lớp học có môi trường tiêu cực (Fraser, 1994).
Trong khi đó, hiện nay rất nhiều người nghĩ và đã dạy học lại cho rằng: hứng thú chẳng có gì quan trọng, chỉ cần kết quả cao mà thôi. Nhưng sự thật là, khi có kết quả cao mà không có hứng thú thì sẽ có nhiều hậu quả:
– Người ta sẽ học mà vô cảm, sau này không muốn áp dụng. Đây chính là căn nguyên của thứ tri thức chết đang có đầy rẫy trong mỗi người.
– Sự không hứng thú sẽ tạo thành thói quen, và họ sẽ không có hứng thú cả với những thứ khác hoặc tìm đến một hình thức nào đó, đối nghịch để có hứng thú (chúng ta đều biết nó nguy hiểm đến mức nào).
– Không có hứng thú sẽ không có đam mê, không có sáng tạo.
– Không có hứng thú thì sẽ khó biết cách làm cho người khác có hứng thú.
V.A Krutexki – một nhà nghiên cứu tâm lí học toán, cấu trúc tâm lí của năng lực toán đã chỉ ra mối quan hệ giữa ba dạng mức độ tư duy:
– Mức độ tư duy tích cực: học sinh chăm chú lắng nghe, cố gắng hiểu, tham gia nhiệt tình vào bài giảng.
– Mức độ tư duy độc lập: học sinh tự đọc, tự chứng minh các vấn đề được thầy nêu ra, có thể là nghiên cứu gợi ý thậm chí đưa ra đáp án.
– Mức độ tư duy sáng tạo: học sinh tự nêu ra, khám phá vấn đề. Bước đầu có thể theo được định hướng của thầy.
Và ông cũng khẳng định rằng thái độ hứng thú thì tác động vào cả ba mức độ trên. Nếu không có hứng thú, chẳng có mức độ nào được xác lập.
Học tập qua trải nghiệm (experiential learning) là một cách học thông qua làm, với quan niệm việc học là quá trình tạo ra tri thức mới trên cơ sở trải nghiệm thực tế, dựa trên những đánh giá, phân tích trên những kinh nghiệm, kiến thức sẵn có. Học thuyết này gắn liền với David Kolb (1939) và các nhà tâm lý học, giáo dục học như John Dewey, Kurt Lewin, Jean Piaget, Lev Vygotsky, William James, Carl Jung, Paulo Freire, Carl Rogers and Mary Parker Follett.
Experiential leanring thường được cho là ngược lại với Academic learning (cách học hàn lâm), là quá trình đạt được thông tin thông qua nghiên cứu một vấn đề mà không cần kinh nghiệm trực tiếp (direct experience) – cách học này đang phổ biến trong các giờ học ở Việt Nam.
Kolb (2015) đã cho thấy học trải nghiệm có ảnh hướng đến phong cách học tập. Trong đó, có ảnh hưởng đến phong cách tư duy (khả năng tham gia vào tranh luận logic, tưởng tượng, và nhất là hứng thú đối với việc học). Thông qua trải nghiệm, học sinh sẽ có cơ hội để hình thành thói quen hành động để giải quyết vấn đề, tìm kiếm thông tin, tưởng tượng ra tính khả thi, kết nối liên tục với kinh nghiệm, …. Sự tưởng tượng chính là mầm mống cho sáng tạo.
Hình một sản phẩm sáng tạo của học sinh Lí thuyết học tập qua trải nghiệm chỉ ra rằng, việc dạy học không phải là tiến hành công việc tới người học thông qua thực thi hàng loạt các kỹ thuật, mà nó là công việc mà người dạy làm cùng với người học trong ngữ cảnh một mối quan hệ đầy ý nghĩa và chia sẻ kinh nghiệm. Để tạo ra cơ hội cho học sinh phát triển tư duy sáng tạo, người dạy cần thay đổi vai trò của mình so với truyền thống trước đây. Người dạy có vai trò là người hỗ trợ (Facilitator); là chuyên gia bộ môn (Subject Expert) người dạy giúp người học tổ chức và kết nối những phản ánh của họ về kiến thức dựa trên các vấn đề của môn học.
Giáo viên dạy bằng ví dụ, làm mẫu và khuyến khích người học tư duy phản biện khi họ tổ chức và phân tích một cách hệ thống kiến thức môn học. Các kiến thức này được truyền thông qua bài giảng và sách giáo khoa.
Chẳng hạn trong môn Toán, việc học trải nghiệm sẽ khắc phục những nhược điểm hiện nay như: chỉ trả lời câu hỏi (có một đáp án), áp dụng cứng nhắc công thức, giải những dạng bài có sẵn, …. Toán học xuất phát từ thực tiễn và phục vụ thực tiễn, là công cụ để khám phá và nghiên cứu các khoa học khác.
Sơ đồ hình thành tư duy toán học Vì vậy, nếu với một tình huống toán học, trẻ em được trải nghiệm qua mô hình, qua các trò chơi, tập tìm nó được ẩn ở đâu trong cuộc sống, … thì như thế là các em được trải nghiệm, và có cơ hội tìm thấy ứng dụng của tri thức Toán, thấy Toán gần gũi, có ích, từ đó thêm hứng thú với môn Toán. Hơn nữa, các nhà khoa học đã nghiên cứu và khuyến cáo trải nghiệm chẳng những phát triển trí tuệ, giúp các em học tốt toán mà còn cho các em có điều kiện phát triển hài hòa IQ, EQ, CQ, AQ.