Trong chuyên mục “Kiến thức chuyên ngành” kỳ này, chúng tôi sẽ đăng bài viết của TS Chu Cẩm Thơ – Giảng viên khoa Toán-Tin, trường Đai học Sư phạm Hà Nội bàn về những năng lực Toán học của học sinh phổ thông. Bài viết đã được đăng trên tạp chi chuyên ngành JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE -Interdisciplinary Sci., 2014, Vol. 59, No. 1, pp. 12-18. Bài viết sẽ chia thành nhiều kỳ, được đăng liên tục trên website: pomath.vn/kien-thuc-chuyen-nganh/tin-tuc/c/0/4.aspx và được đưa lại trên fanpage: www.facebook.com/pomathvietnam
BÀN VỀ NHỮNG NĂNG LỰC TOÁN HỌC CỦA HỌC SINH PHỔ THÔNG
Tóm tắt. Trên cơ sở phân tích một số quan điểm về giáo dục năng lực, bài báo cho thấy vai trò của môn Toán trong việc hình thành và rèn luyện những thành phần quan trọng của năng lực phổ thông. Năng lực toán học của học sinh phổ thông được chúng tôi hiểu là những năng lực cần có khi học sinh học xong chương trình môn Toán phổ thông. Những năng lực này đáp ứng việc hấp thụ những tri thức toán học, khả năng học tập môn Toán, khả năng vận dụng kiến thức toán vào cuộc sống,… Những năng lực Toán học phổ thông được bàn luận bao gồm: Năng lực thu nhận thông tin Toán học, Chế biến thông tin toán học, Lưu trữ thông tin toán học, Năng lực vận dụng Toán học vào giải quyết vấn đề.
1. Mở đầu
Giáo dục hướng năng lực đang là một chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu giáo dục quan tâm. Khuynh hướng giáo dục hướng năng lực được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn. Bài báo này xin giới thiệu những kết quả nghiên cứu mà chúng tôi có được nhằm trình bày một quan điểm xác định mục tiêu dạy học trong môn Toán trên cơ sở phân tích một số quan điểm về giáo dục năng lực và vai trò của môn Toán trong việc hình thành và rèn luyện những thành phần quan trọng của năng lực phổ thông.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Quan điểm về giáo dục năng lực
Phạm trù năng lực thường được hiểu theo những cách khác nhau và mỗi cách hiểu có những thuật ngữ tương ứng:
– Năng lực (Capacity/Ability): hiểu theo nghĩa chung nhất là khả năng (hoặc tiềm năng) mà cá nhân thể hiện khi tham gia một hoạt động nào đó ở một thời điểm nhất định.
– Năng lực (Compentence): thường gọi là năng lực hành động, là khả năng thực hiện hiệu quả một nhiệm vụ/một hành động cụ thể, liên quan đến một lĩnh vực nhất định dựa trên cơ sở hiểu biết, kĩ năng, kĩ xảo và sự sẵn sàng hành động.
– Năng lực được xây dựng trên cơ sở tri thức, thiết lập qua giá trị, cấu trúc như là các khả năng, hình thành qua trải nghiệm/củng cố qua kinh nghiệm, hiện thực hóa qua ý chí (John Erpenbeck 1998).
– Năng lực: là các khả năng và kĩ năng nhận thức vốn có ở cá nhân hay có thể học được,… để giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Năng lực cũng hàm chứa trong nó tính sẵn sàng hành động, động cơ, ý chí và trách nhiệm xã hội để có thể sử dụng một cách thành công và có trách nhiệm các giải pháp,… trong những tình huống thay đổi (Weinert,2001).
– Năng lực là khả năng cá nhân đáp ứng các yêu cầu phức hợp và thực hiện thành công nhiệm vụ trong một bối cảnh cụ thể” (OECD, 2002).
– Năng lực: là “khả năng vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm, kĩ năng, thái độ và hứng thú để hành động một cách phù hợp và có hiệu quả trong các tình huống đa dạng của cuộc sống” (Québec- Ministere de l’Education, 2004).
– Năng lực: là khả năng hành động, đạt được thành công và chứng minh sự tiến bộ nhờ vào khả năng huy động và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực tích hợp của cá nhân khi giải quyết các vấn đề của cuộc sống” (Tremblay, 2002).
– Năng lực là khả năng ứng phó thành công hay năng lực thực hiện hiệu quả một loại/lĩnh vực hoạt động nào đó trên cơ sở hiểu biết (tri thức), biết cách lựa chọn và vận dụng những tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng/kĩ xảo,… để hành động phù hợp với những mục tiêu và điều kiện thực tế hay hoàn cảnh thay đổi.
Từ những định nghĩa trên đây, có thể thấy người có năng lực về một loại/lĩnh vực
hoạt động nào đó cần có đủ các dấu hiệu cơ bản sau:
– Có kiến thức hay hiểu biết hệ thống/chuyên sâu về loại/lĩnh vực hoạt động đó.
– Biết cách tiến hành hoạt động đó hiệu quả và đạt kết quả phù hợp với mục đích (bao gồm xác định mục tiêu cụ thể, cách thức/hương pháp thực hiện hành động/ lựa chọn được các giải pháp phù hợp,… và cả các điều kiện, phương tiện để đạt mục đích).
– Hành động có kết quả, ứng phó linh hoạt hiệu quả trong những điều kiện mới, không quen thuộc.
(Kính mời bạn đọc theo dõi phần tiếp theo: Một số đặc điểm và nguyên tắc phát triển năng lực cho học sinh phổ thông, được đăng trên số tiếp theo, ngày 14/12/2014)