Phần cuối cùng của bài viết “Bàn về những năng lực Toán học của học sinh phổ thông” của TS Chu Cẩm Thơ – Giảng viên khoa Toán-Tin, trường Đai học Sư phạm Hà Nội – Bàn về những năng lực toán học phổ thông và chương trình giáo dục
2.4. Bàn về những năng lực toán học phổ thông và chương trình giáo dục
Chuẩn năng lực Toán học của học sinh phổ thông được chúng tôi hiểu là những năng lực cần có khi học sinh học xong chương trình môn Toán phổ thông. Những năng lực này đáp ứng việc hấp thụ những tri thức toán học, khả năng học tập môn Toán, khả năng vận dụng kiến thức toán vào cuộc sống,…
Chúng tôi quan tâm đến ý kiến cho rằng năng lực là tổng hòa các mối quan hệ biện chứng của nhiều yếu tố, trong đó ba yếu tố đóng vai trò trọng tâm đó là: di truyền, gia đình, xã hội. Xin dẫn sơ đồ về ba tầng trí tuệ của Eyseck (2001) để minh họa:
Trên cơ sở tán đồng thuyết đa trí tuệ (do Gardner (1993) đề xướng) và Lí thuyết tương tác văn hóa – xã hội (Social-cultural Theory) của Vưgôtsky, các nghiên cứu của Kơrutecxki chúng tôi nhận thấy có thể có thể coi những năng lực sau đây là những năng
lực mà giáo dục Toán học phổ thông cần hướng tới:
(1) Năng lực thu nhận thông tin Toán học: Năng lực tri giác hình thức hoá tài liệu toán học, năng lực nắm cấu trúc hình thức của bài toán.
(2) Chế biến thông tin toán học:
– Năng lực tư duy logic trong lĩnh vực các quan hệ số lượng và không gian, hệ thống kí hiệu số và dấu. Năng lực tư duy bằng các kí hiệu toán học.
– Năng lực khái quát hoá nhanh và rộng các đối tượng, quan hệ toán học và các phép toán.
– Năng lực rút gọn qua trình suy luận toán học và hệ thống các phép toán tương ứng. Năng lực tư duy bằng các cấu trúc rút gọn.
Bàn về những năng lực Toán học của học sinh phổ thông
– Tính linh hoạt của các quá trình tư duy trong hoạt động toán học.
– Khuynh hướng vươn tới tính rõ ràng, đơn giản, tiết kiệm, hợp lí của lời giải.
– Năng lực nhanh chóng và dễ dàng sửa lại phương hướng của quá trình tư duy, năng lực chuyển từ tiến trình tư duy thuận sang tiến trình tư duy đảo.
(3) Lưu trữ thông tin toán học:
– Trí nhớ toán học (Trí nhớ khái quát về các: quan hệ toán học, đặc điểm về loại, sơ đồ suy luận và chứng minh, phương pháp giải toán, nguyên tắc, đường lối giải toán).
(4) Năng lực vận dụng Toán học vào giải quyết vấn đề:
– Năng lực vận dụng các tri thức Toán (chủ yếu là tri thức chuẩn) như công cụ trong học tập.
– Năng lực giải một số bài toán có tính thực tiễn điển hình.
– Năng lực vận dụng tri thức Toán, phương pháp tư duy Toán vào thực tiễn.
– Khuynh hướng, khả năng Toán học hóa các tình huống.
Về mặt thực tiễn, “chuẩn” nói chung hay chuẩn năng lực nói riêng cần được thể hiện qua chương trình, nội dung, phương pháp và kiểm tra đánh giá. Trên cơ sở nghiên cứu chương trình của một số quốc gia tiên tiến (Hàn Quốc, Anh, Singapore, Mỹ,. . . ) chúng
tôi nhận thấy chương trình môn Toán của các quốc gia này có mấy đặc điểm đáng chú ý:
– Đưa sớm các vấn đề toán học có tính hệ thống, hiện đại vào giai đoạn tiểu học (hệ thống số: hết tập số nguyên, hữu tỉ; hình học: các vấn đề cơ bản của hình học Ơ-clit (Euclid), tư tưởng về hướng; về đại số: các yếu tố về phương trình, quan hệ tương ứng; về toán ứng dụng: các yếu tố cơ bản về xác suất thống kê,. . .
– Đặc biệt quan tâm đến tính ứng dụng của các tri thức Toán.
Vấn đề đặt ra là cần cụ thể hóa những mục tiêu đó trong khi xây dựng chuẩn như thế nào, trong thực hiện xây dựng chương trình, nội dung dạy học, trong hiện thực hóa ở thực tiễn, trong đánh giá cuối cùng. Bởi thói quen đã hình thành nếp suy nghĩ của người Việt chúng ta là “thi gì học nấy” rất khó thay đổi.
Theo chúng tôi, cần xây dựng chuẩn theo căn cứ sau đây:
(1) Xác định chuẩn đầu ra (những yêu cầu cần đạt) đối với giáo dục môn Toán phổ thông (tốt nghiệp phổ thông thì người học cần đạt những chuẩn nào).
(2) Xác định chuẩn đầu ra/đầu vào cho từng cấp, từng lớp. Chuẩn đầu ra của cấp/lớp dưới là căn cứ để xác định chuẩn đầu vào của cấp/lớp trên.
(3) Nội dung dạy học có thể rộng, sâu, cao hơn so với chuẩn.
(4) Chuẩn cần cụ thể hóa ở mức có thể đánh giá được (thường thì năng lực sẽ được thể hiện qua các kĩ năng ở các mức độ nhận thức tương ứng (ghi nhớ, hiểu, vận dụng,. . . ).
(5) Mục tiêu dạy toán phổ thông nên hướng tới là: “học để biết vận dụng và khẳng định giá trị bản thân”, cụ thể dạy học toán phổ thông phải đạt những năng lực:
– Lập luận logic trong giải toán
– Giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ toán.
– Vận dụng kiến thức Toán để giải quyết tình huống có vấn đề.
3. Kết luận
Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học là một định hướng tất yếu của công cuộc đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Từ việc xác định khung năng lực chung và năng lực chuyên biệt liên quan đến môn Toán đến xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp, đánh giá mỗi môn học là một chuỗi các nghiên cứu và thực nghiệm. Trong đó cần thống nhất cách hiểu cấu trúc, biểu hiện thực tiễn trong dạy và học, cách đo và đặc biệt là cách hình thành và phát triển từng năng lực hoặc nhóm năng lực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Công Khanh, 2012. Năng lực và đánh giá kết quả giáo dục theo năng lực trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.
[2] Trần Kiều và nhóm nghiên cứu, 2012. Một số nhận xét về quá trình phát triển chương
trình giáo dục phổ thông của Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Hội thảo tổng kết giáo dục phổ thông của Việt Nam và một số nước trên thế giới đề xuất nghiên cứu tiếp theo về đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015 của Việt Nam.
[3] Đào Thái Lai và nhóm nghiên cứu, 2012. Tổng quan kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình giáo dục phổ thông. Hội thảo tổng kết giáo dục phổ thông của Việt Nam và một số nước trên thế giới đề xuất nghiên cứu tiếp theo về đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015 của Việt Nam.
[4] Chương trình giáo dục môn Toán các nước: Hàn Quốc, Anh, Canada, Singapore, Mỹ. (BCĐ Quốc gia đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015 cung cấp).
[5] Một số chương trình giáo dục: Australian Curriculum, ANCARA, 2011; CCI stan-dards mathematics, America, 2010; Chương trình Tiểu học, Chương trình Trung học, Chương trình Dự bị Đại học IB 2012 (bản dịch Tiếng Việt); Math standards New Zealand curriculum, 2010; Madison Metropolitan School District, Canada, 2011; Mathematíc curriculum Quebec, Canada, 2010; Maththematics curriculum, Singa-pore, 2011.