Phần tiếp theo của bài viết “Bàn về những năng lực Toán học của học sinh phổ thông” của TS Chu Cẩm Thơ – Giảng viên khoa Toán-Tin, trường Đai học Sư phạm Hà Nội – Một số đặc điểm và nguyên tắc phát triển năng lực cho học sinh phổ thông
2.2. Một số đặc điểm và các nguyên tắc phát triển năng lực cho học sinh phổ thông
Nghiên cứu các kết quả tâm lí học, giáo dục học cho thấy:
– Mỗi cá nhân để thành công học đường, thành đạt, hạnh phúc cần sở hữu nhiều loại năng lực khác nhau.
– Năng lực của cá nhân thể hiện qua hoạt động (có thể quan sát được ở các tình huống, hoàn cảnh khác nhau) và có thể đo lường/ đánh giá được.
– Năng lực thường tồn tại dưới hai hình thức: năng lực chung (key competencies) và 13 năng lực chuyên biệt (domain-specific competencies). Năng lực chung là những năng lực cần thiết để cá nhân có thể tham gia hiệu quả trong nhiều loại hoạt động và các bối cảnh khác nhau của đời sống xã hội. Năng lực chung cần thiết cho mọi người. Năng lực chuyên biệt (Ví dụ: năng lực biểu diễn kịch câm; năng lực nhảy dancesport;…) chỉ cần thiết đối với một số người hoặc cần thiết ở những bối cảnh nhất định. Các năng lực chuyên biệt không thể thay thế các năng lực chung.
– Năng lực được hình thành, phát triển ở trong và ngoài nhà trường. Nhà trường đuợc coi là môi trường giáo dục chính thống giúp học sinh hình thành những năng lực chung, cần thiết, song đó không phải là nơi duy nhất. Những môi trường khác như: gia đình, cộng đồng,… cùng góp phần bổ sung và hoàn thiện các năng lực cá nhân.
– Năng lực của mỗi cá nhân là một phổ từ năng lực bậc thấp như nhận biết/ tìm kiếm thông tin (tái tạo)… tới năng lực bậc cao (khái quát hóa/phản ánh). Theo nghiên cứu của OECD (2004) thì có 3 lĩnh năng lực từ thấp đến cao: (1) lĩnh vực năng lực I: Tái tạo; (2)
Lĩnh vực năng lực II: Kết nối; (3) Lĩnh vực năng lực III: Khái quát hóa/phản ánh.
– Năng lực và các thành tố của nó không bất biến mà được hình thành và biến đổi liên tục trong suốt cuộc sống của mỗi cá nhân.
Đối với học sinh phổ thông, năng lực không chỉ là khả năng tái hiện tri thức, thông hiểu tri thức, mà quan trọng là khả năng hành động, ứng dụng/vận dụng tri thức để giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Năng lực của học sinh không chỉ là vốn kiến thức, kĩ năng, thái độ sống mà là sự kết hợp hài hòa của cả ba yếu tố này thể hiện ở khả năng hành động (thực hiện) hiệu quả, muốn hành động và sẵn sàng hành động (gồm động cơ, ý chí, tự tin, trách nhiệm xã hội…). Năng lực nhận thức của học sinh là một phổ từ năng lực bậc thấp như tái hiện/biết, thông hiểu kiến thức, có kĩ năng (biết làm) … đến năng lực bậc cao như phân tích, khái quát tổng hợp, đánh giá, sáng tạo.
Theo nhóm chuyên gia tư vấn cho chương trình giáo dục Việt Nam sau 2015 [2], thì các năng lực cần hình thành cho học sinh phổ thông bao gồm:
Nhóm các năng lực nhận thức (cốt lõi): gồm các năng lực thuần tâm thần cốt lõi gắn liền với các quá trình tư duy (quá trình nhận thức):
(1) Năng lực ngôn ngữ;
(2) Năng lực tính toán và suy luận logíc/tư duy trừu tượng;
(3) Năng lực giải quyết vấn đề;
(4) Năng lực sáng tạo;
(5) Năng lực cảm xúc;
(6) Năng lực tương tác xã hội;
(7) Năng lực tự học/ học suốt đời;
(8) Năng lực siêu nhận thức (nghĩ về cách suy nghĩ).
Mỗi năng lực nhận thức này lại gồm một nhóm các năng lực cụ thể/ năng lực thành phần. Mỗi năng lực chung và các năng lực thành phần của chúng được hình thành chủ yếu qua các môn học/ trên lớp học/ trong nhà trường… trên nền của một môi trường học tập thân thiện, tích cực hóa người học… với các lí thuyết dạy học hiện đại như: dạy học kiến tạo; dạy học trải nghiệm; dạy học tương tác; dạy học bằng trò chơi…
Nhóm các năng lực phi nhận thức (cốt lõi): gồm các năng lực không thuần tâm thần, mà có sự pha trộn các nét/phẩm chất nhân cách rất cần thiết cho sự thành công học đường, thành công trong cuộc sống:
(1) Năng lực vựợt khó;
(2) Năng lực thích ứng, năng lực ứng phó stress;
(3) Năng lực thay đổi suy nghĩ /tạo niềm tin tích cực;
(4) Năng lực quan sát; năng lực tập trung chú ý;
(5) Năng lực quản lí/lãnh đạo/phát triển bản thân).
Mỗi năng lực phi nhận thức cốt lõi này lại gồm một nhóm các năng lực cụ thể/ năng lực thành phần. Mỗi năng lực chung và các năng lực thành phần của chúng cũng được hình thành qua môn học, nhưng chủ yếu qua các hoạt động giáo dục ngoài môn học/ ngoài lớp học trên nền của một môi trường tương tác văn hóa xã hội tích cực (giàu tính tương tác, liên tục được trải nghiệm, không áp đặt từ giáo viên/phụ huynh, học sinh được tự do bày tỏ ý kiến, luôn tôn trọng ý kiến học sinh, giáo viên luôn khuyên khích, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực), với các lí thuyết giáo dục hiện đại như: trải nghiệm; tương tác; trò chơi…
(Kính mời bạn đọc theo dõi phần tiếp theo: Vai trò của môn Toán trong hình thành năng lực phổ thông cho học sinh, được đăng trên số tiếp theo, ngày 15/12/2014)