TÔN TRỌNG HAY NUÔNG CHIỀU

CÂU CHUYỆN VỀ “SỰ TÔN TRỌNG”

Trong lúc nhiều người lớn cảm nhận hậu quả tồi tệ của sự “cưỡng bức”, thiếu tự do thì nhiều đứa trẻ lại được tự do đến mức chẳng cần có trách nhiệm với bất kì điều gì.

Đồng nghiệp của tôi than thở rất nhiều về việc xã hội và phụ huynh đòi họ phải tôn trọng trẻ. Ban đầu nhiều người khi nghe sự than thở này thì phản ứng ngay. Họ cho rằng các giáo viên đang bao biện cho sự cố chấp, vin vào “cây gậy” và điểm số mà không quan tâm đến việc thay đổi nhận thức của chính bản thân giáo viên. Rằng, giáo viên: bạn không phải là ông vua ở lớp học mà phán học trò đúng hay sai (theo ý bạn); bạn không phải là cai tù mà xử phạt lũ trò nghịch ngợm; bạn cũng là ai mà đòi quát mắng chúng, … Và nếu, bạn thử động vào một sợi lông của chúng xem, bố mẹ chúng sẽ xù lên, và bạn sẽ bị phơi mặt lên dư luận. Hãy nhớ lấy, phải TÔN TRỌNG.

HIỂU TÔN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG?

Khi tôi nghe lại đoạn băng trao đổi giữa một giáo viên và phụ huynh, tôi cảm nhận việc hiểu thuật ngữ “tôn trọng” đang rất có sai khác. Trong đoạn băng đó, giáo viên chia sẻ về trường hợp cô học trò liên tục không làm bài tập (trong SGK) và gần như không muốn học bài. Cô giáo nói đã mấy lần giảm nhẹ yêu cầu, hợp đồng riêng với cháu (có lẽ cô đã áp dụng một vài tư vấn của tôi) nhưng cháu không thay đổi. Cô giáo đã làm một việc đó là cho cháu nghỉ học. Nhưng mẹ cháu lại nói, cô cần tôn trọng cháu. Cháu không thích học toán, nhưng không được phép cho cháu nghỉ học.

Câu chuyện có vẻ căng thẳng. Vì người mẹ khăng khăng đổ lỗi cho cô giáo và chương trình học. Còn cô giáo nói, cháu không hề cố gắng. Có một chi tiết làm tôi chú ý, đó là, cô bé thích học môn Tiếng Anh. Nhưng chỉ là nghe các bài hát tiếng Anh thôi, chứ cháu chưa từng thử đọc/ dịch/ làm bài theo các yêu cầu để thể hiện mình có năng lực. và câu kết, cô giáo nói: chị cứ nói con chị có năng lực, nhưng cháu chưa bao giờ thể hiện điều đó ngay cả trong môn học cháu yêu thích nhất, cháu chưa bao giờ làm gì để tôi tin vào điều đó. Tôi chỉ thấy cháu đã không tôn trọng tôi và các bạn. Tôi, nếu không có quyền cho con chị thôi học thì chắc có quyền cho tôi được thôi việc dạy con chị.

Thực tế, mỗi đứa trẻ trong quá trình phát triển của mình (bao gồm sự thích nghi và rồi tìm ra chính bản thân mình) sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cha mẹ sợ con hoặc nghĩ rằng không cần thiết có những khó khăn đó mà đã tước đi quyền vượt khó của con. Đó không phải sự TÔN TRỌNG mà đó là sự NUÔNG CHIỀU.

ĐIỀU GÌ XỨNG ĐÁNG ĐỂ CÓ “SỰ TÔN TRỌNG”

Làm những điều hay đáp ứng những thứ mà con muốn, trong khi con không cần có sự cố gắng nào? Trẻ cần biết ngưỡng để mình có thể vươn lên thay vì cứ đi bằng phẳng. Bao nhiêu lâu để giải một bài toán? Đồng nghiệp nói với tôi rằng: em không tin, những đứa trẻ chỉ mất chưa đầy 5 phút để giải một bài toán (mà chưa từng suy nghĩ triền miên hàng giờ, có khi hàng đêm về một bài toán nào) lại có thể có tư duy toán học. Điều đó có vẻ đúng với tất cả những ai được gọi là “thích toán”, “giỏi toán”.

Cha mẹ đừng ngạc nhiên, vì sao các giáo viên cho con bạn một bài tập khó (tôi gọi là bài tập thôi, vì đa số các em chưa gặp bài toán đâu). Cha mẹ cũng đừng kêu trời vì con mình mất cả giờ để giải một bài tập của thầy giáo hoặc ở trong sách nào đó. Và tất nhiên, nếu với bộ Lego, trẻ cũng say sưa hàng giờ. Cả đi câu cá và đá bóng. Sự say sưa có giá trị thật lớn, vì khi đó, các hooc mon sẽ được tiết ra, sự hưng phấn sẽ làm thành quả học tập/ vui chơi có giá trị hơn.

Cha mẹ cũng đừng quên, tôn trọng trẻ là “bắt trẻ” có trách nhiệm với lời hứa, với nhiệm vụ của mình. Ăn cơm thì cũng phải rửa bát. Mặc áo quần thì biết giặt/ phơi. Được học thì Học cho ra hồn. Được chơi thì phải Fair play mới xứng.



    +