Tôi đã chọn học hiểu về con số trước.
Trong khi tụi bạn tôi mải mê học tính, chúng học thuộc, còn tôi, đã nghe lời mẹ, mà trả lời vì sao 3 + 2 = 5,…
Đó là câu chuyện của tôi, và sau này của các con tôi, của những đứa trẻ 4 tuổi, 5 tuổi chơi với tôi trong mỗi buổi học ở POMATH. Chúng cứ chơi với các đồ vật, lúc thì lấy 3 que tính, rồi thêm 2 que nữa; rồi lại lấy 4 mảnh gỗ, thêm vào 1 mảnh gỗ nữa, … Có một lần, sau những lần chơi, một đứa bảo: “Ở đây tớ có 2 mảnh thôi, lấy thêm cho tớ đủ 5 mảnh gỗ đi!” . Và đứa trẻ kia đã mang 3 mảnh gỗ tới.
Câu chuyện về cấu trúc số cũng giống như câu chuyện người ta hiểu về cái bộ phận trong cái toàn thể, và lịch sử khám phá về số tự nhiên, số đếm, số đại diện cho lực lượng của một tập hợp là như thế.
Sau này, khi gặp phép tính mà người ta muốn tính nhanh bằng cách ghép đôi để được các số tròn chục thì chính là lúc đó, đứa trẻ đã hiểu cấu trúc của từng số để mà làm rồi (chẳng hạn 17 + 7 = 17 + 3 + 4 = 20 + 4 = 24, còn 26 + 7 = 26 + 4 + 3 = 30 + 3 = 33).
Việc hiểu một con số sẽ trở nên dễ dàng nếu tụi nhỏ biết mỗi số tự nhiên đều có “câu chuyện” ở ngoài đời. Khi trải nghiệm những thứ đó, lập tức chúng thấy trở nên gần gũi. Chẳng hạn, tôi muốn cho trẻ biết về tính thứ tự, về số liền trước, số liền sau, về so sánh. Tôi không thể áp đặt cho chúng rằng 4 > 3 (vì tụi nó đã bảo tôi 3 cái bánh này lớn hơn 4 cái kẹo đấy!!!). Nhưng khi tôi chơi với chúng trò chơi mua vé tàu hỏa, thì chúng đều biết thứ tự: cậu có vé số 4 à, phải lên sau tớ chứ, vì vé của tớ là số 3. Tụi nó học tự nhiên như thế.
Việc hiểu về các con số giúp tụi nhỏ hiểu ý nghĩa của các con số trong phép tính, giúp chúng thực sự học toán. Khi trẻ học toán có lời văn, có những tình huống giải quyết vấn đề, chúng chỉ có thể tự tin giải quyết nếu chúng hiểu về các con số đó. Các giáo viên dạy toán tiểu học có kinh nghiệm chia sẻ rằng, tụi nhỏ lớp 2, lớp 3, lớp 4 hay mắc sai lầm vì chúng không hiểu cấu trúc số. Chẳng hạn: “Em có 7 cái kẹo, mẹ cho em thêm 1 chục cái kẹo nữa thì em có bao nhiêu cái kẹo”, một bạn lớp 2 sẽ có thể trả lời là: 7 + 1 = 8 cái kẹo. Lớp 4 thì các bạn ấy còn lao đao vì hỗn số, số thập phân nữa, ….
Thế nên, để khuyên gì cho chúng ta, tôi, coi như người đọc nhiều sách và có nghiên cứu chuyên tâm thì khuyên rằng, lúc tụi nhỏ còn nhỏ, thì cứ từ từ cho các con trải nghiệm, cho các con đối thoại với người lớn để các con hiểu về giá trị của các con số trong thực tiễn, thì tức là đã hiểu về “cấu trúc” của số đó rồi.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ